Thảo dược “nhà bếp” phòng cúm trong mùa Đông Xuân
Thứ ba ngày 17 tháng 03 năm 2020
Suckhoedoisong.vn – Như chúng ta đã biết, cúm là một bệnh do virus gây ra, hiện nay, tây y chưa có thuốc đặc trị cho virus, tuy nhiên, trong dân gian lại có những vị thuốc quen thuộc với sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, đồng thời có tác dụng hỗ trợ phòng và trị cúm.
Trung y xếp cúm vào nhóm ngoại cảm ôn bệnh (tức bệnh gây ra do cơ thể cảm nhiễm phải các tác nhân có hại từ bên ngoài môi trường, như virus, vi khuẩn, khí lạnh, nóng khô, ẩm mốc, v.v…đông y gọi chung các tác nhân này là tà khí). Đặc trưng chung của ôn bệnh là các triệu chứng như khởi phát sốt cao, thường kèm theo triệu chứng về phế vị, chảy nước mắt nước mũi, họng khô đỏ, khát nước, sợ gió sợ lạnh…. Các triệu chứng trên diễn biến theo quy luật, có thể tự khỏi, tuy nhiên cũng có diễn biến nặng lên, bệnh chuyển từ biểu vào lí. Chính vì vậy, ngay từ khi mới mắc bệnh, người thầy thước luôn chú trọng nâng cao chính khí và dùng các phép giải biểu cho bệnh nhân. Ở phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số thảo dược dễ kiếm, gần gũi với sinh hoạt hàng ngày của mọi gia đình.
Đầu tiên phải kể đến nhóm các loại rau và gia vị như hành, tỏi, xả, kinh giới, tía tô… Những loại gia vị này thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm của người Việt, ko chỉ làm gia tăng hương vị cho món ăn, nó còn là những vị thuốc quý giúp phòng và trị cúm.
Hành:
Hành là một vị thuốc rất thông dụng trong nhân dân, được ghi chép trong các tài liệu cổ từ lâu đời. Trong các tài liệu cổ này, người ta cho rằng hành có vị cay, bình mà không độc có năng lực phát biểu, hoà trung, thông dương, hoạt huyết, dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa đau răng, sắc uống lấy nước chữa các chứng sốt, sốt rét, cảm, nhức đầu, mặt mày phù thũng, còn làm yên thai, sáng mắt, lợi ngũ lạng. Vào hai kinh thủ thái âm (phế kinh) và túc dương minh (vị kinh). Tinh dầu hành có tác dụng sát khuẩn mạnh, dùng ngoài chữa những mụn nhọt mưng mủ, dùng nước hành nhỏ mũi chữa được ngạt mũi, cấp tính và mãn tính, viêm niêm mạc mũi, khi bị cảm mạo, đầu nhức, mũi ngạt thì có thể dùng hành giã nát, thêm nước sôi vào rồi xông, hoặc cho hành vào cháo nóng mà ăn thì chóng khỏi.
Tỏi:
Tỏi có vị cay, mùi hôi, tính ấm, có tác dụng giải cảm, giải độc, tiêu đờm, lợi tiểu, hạ khí, trừ giun, thông quan.Tỏi có phổ kháng khuẩn và kháng nấm rộng.
Trong tỏi có 3 hoạt chất chính: allicin, liallyl sulfid và ajoen. Trong đó, allicin là hoạt chất mạnh nhất và quan trọng nhưng nó lại không hiện diện rõ ràng trong tỏi. Allicin được tạo ra khi chất alliin tiếp xúc 1 với enzym alliinase khi tỏi được nhai, bằm nhỏ hay được nghiền nát và là thành phần tạo mùi đặc trưng của tỏi (Alliin và enzym alliinase tồn tại trong những tế bào riêng biệt, khi tỏi chưa bị thái hoặc bằm ra), do đó, càng cắt nhỏ hoặc càng đập nát, hoạt tính của tỏi càng cao. Vì vậy, để tận dụng được hoạt tính allicin trong tỏi chúng ta nên cắt nhỏ hoặc đập nát tỏi càng nhiều càng tốt, không nên để nguyên cả củ tỏi khi xào nấu.
Bột tỏi đông khô được dùng điều trị cho 430 bệnh nhân bị các bệnh về tai mũi họng như viêm amidan cấp, viêm họng và viêm đường hô hấp trên mạn tính, viêm tai giữa cấp và mạn tính, viêm loét tiền đình, mũi. Trong các bệnh trên, chế phẩm bột tỏi đông khô có thể thay thế cho kháng sinh hoặc dùng kết hợp với kháng sinh. Tình trạng viêm nhiễm thoái lui rõ rệt, không có tác dụng phụ. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều chế phẩm từ tỏi như dầu tỏi, rượu, dấm tỏi, mật ong ngâm tỏi, tỏi đen… đều dễ làm, và tiện sử dụng.
Sả:
Theo đông ý, sả có vị cay, tính ấm, có tác dụng kích thích tiêu hoá, sát trùng, tiêu đờm. Từ xa xưa, cây sả đã được dùng rộng rãi trong nhân dân, giúp giải cảm, trị ho sốt, chữa đầy chướng bụng, khó tiêu. Chính vì thế, trong hầu hết các món có tính lạnh như hải sản, tôm, cá, ốc, thịt vịt người ta khi chế biến thường thêm sả, vừa giúp tăng hương vị cho món ăn lại khử được cái lạnh của thực phẩm. Không chỉ vậy, tinh dầu trong sả còn có tác dụng đuổi muỗi, dùng trong công nghiệp chất thơm, làm nước hoa, xà phòng thơm. Sả còn là thành phần trong nhiều loại thức uống thơm ngon như trà cam sả, trà đào xả…
Kinh giới:
Kinh giới còn gọi kinh giới tuệ, khương giới, giả tô, là một loại rau gia vị được trồng nhiều và phổ biến ở nước ta. Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất có hoa phơi khô của cây kinh giới. Kinh giới chứa chủ yếu tinh dầu (mentol, menthon, limonen), flavonoid và một số chất khác. Theo Đông y, kinh giới vị cay, tính ôn, vào kinh phế và can. Có tác dụng tán hàn giải biểu, thúc nọc sởi, chống kinh giật, cầm máu. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt (sốt nóng) đau đầu, đau họng, chảy máu cam (nục huyết), đại tiện xuất huyết… cháo kinh giới tía tô để ăn cho ra mồ hôi, tác dụng giải cảm, hoa kinh giới đun nước uống và xông để giải cảm, hạ sốt, kinh giới sao vàng tán nhỏ làm thành bột, hít vào mũi giúp thông mũi, dùng khi bị cảm cúm.
Tía tô:
Tía tô, còn gọi là tử tô, tô tử, tử tô ngạnh, é tía. Đây là loại cây cỏ cao từ 0,5 – 1,0m, được trồng khắp nơi làm rau thơm gia vị ăn sống cùng các thức ăn khác. Đông y cho rằng tía tô có vị cay, mùi thơm, tính ấm vào hai kinh -phế và tỳ. Có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung; giải uất, hoá đờm, an thai, giải độc của cua cá. Cành không có tác dụng phát biểu, chỉ có tác dụng lý khí. Dùng chữa ngoại cảm phong hàn, nôn mửa, động thai, ngộ độc cua cá. Thông thường lá tía tô có tác dụng là cho ra mồ hôi, chữa ho, giúp sự tiêu hoá, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo, còn có tác dụng chữa bị ngộ độc nôn mửa, đau bụng do ăn cua cá. Cành tía tô có tác dụng chữa ho trừ đờm, hen suyễn, tê thấp. Các món ăn có thêm rau tía tô như cháo thịt bằm tía tô, cà om thịt ba chỉ và tía tô, bún riêu cua ăn kèm với rau tía tô, nộm tía tô hoa chuối, … và rất nhiều món ăn thơm ngon hấp dẫn khác.
Những loại gia vị kể trên đều gần gũi và quen thuộc trong gian bếp của mỗi gia đình, tăng cường chúng cho bữa ăn hàng ngày, kết hợp với các loại thực phẩm khác, vừa làm phong phú thêm thực đơn, tăng hương vị cho món ăn lại có tác dụng phòng bệnh.
Thứ hai là những loại thảo mộc dùng hãm uống như trà, vừa thơm ngon, vừa có tác dụng phòng cúm như Cúc hoa, bạc hà, kim ngân hoa, …
Cúc hoa:
Cúc hoa có hai loại là cúc hoa trắng vị đắng hơi ngọt, tính hơi hàn, và cúc hoa vàng vị đắng cay, tính ôn, đều quy vào 3 kinh, phế, can và thận, có tác dụng tán phong thấp, thanh nhiệt, giải độc, làm sáng mắt. Hoa cây cúc vàng được dùng chữa các chứng cảm lạnh, sốt, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt, huyết áp cao, đinh độc, mụn nhọt sưng đau. Uống lâu ngày lợi khí huyết, có tác dụng về nội tiết làm trẻ lâu. Cúc hoa dùng hãm nước uống với như một loại trà, vừa thơm ngon lại tốt cho sức khoẻ và nhan sắc.
Bài thuốc chữa cảm cúm, có tác dụng phát tán phong nhiệt chứa cúc hoa đó là Tang cúc ẩm: Cúc hoa vàng 6g, lá dâu 6g, liên kiều 4g, bạc hà 4g, cam thảo 4 g, cát cánh 4g, nước 600 ml, sắc còn 200 ml chia 3 lần uống trong ngày.
Bạc hà:
Tính chất của bạc hà theo các tài liệu cổ ghi như sau: Vị cay, mát không độc, vào 2 kinh phế và can, có tác dụng tán phong nhiệt. Bạc hà là một vị thuốc có tinh dầu thơm, làm ra mồ hôi, hạ sốt dùng chữa cảm sốt, cảm mạo, mũi ngạt, đầu nhức, còn giúp cho sự tiêu hoá, chữa kém ăn, ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài.
Tinh dầu bạc hà còn giúp thông khướu, dùng khi ngạt mũi, nhức đầu, xoa bóp tại chỗ để giảm đau và sát khuẩn. Bạc hà còn dùng trong phá chế đồ uống như trà, rượu, cocktail… Một số loại trà kết hợp với bạc hà như trà bạc hà cam quế, trà táo bạc hà, trà chanh bạc hà…
Kim ngân:
Kim ngân hoa hay còn có tên gọi khác là nhẫn đông hoa. Sở dĩ có tên này vì cây không những có khả năng chịu đựng được mùa đông mà còn có thể phát triển xanh tốt vào giai đoạn thời tiết này (nhẫn đông nghĩa là chịu đựng mùa đông). Cây kim ngân khi ra hoa có điểm rất đặc biệt là những hoa ra sớm sẽ có màu trắng như bạc, sau đó một thời gian nở lâu dài các hoa này sẽ chuyển sang màu vàng, cho nên trên cùng một cây ta có thể thấy được 2 màu sắc hoa cùng hiện diện là hoa trắng và hoa vàng, vì thế cây được đặt tên là kim ngân (kim là vàng, ngân là bạc).
Kim ngân hoa có các flavonoid (luteolin, lonicerin…); tanin và chất sáp… Có tác dụng kháng virut, vi khuẩn, chống viêm hạ sốt, điều hoà chức năng miễn dịch, giảm mỡ máu, tăng nhu động ruột, tăng tiết dịch vị và dịch mật. Theo Đông y, kim ngân hoa vị ngọt, tính lạnh; vào phế, vị, tâm, tỳ, đại tràng. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ lỵ. Dùng cho các trường hợp nhiễm vi khuẩn, virut gây bệnh cấp tính sốt nóng, viêm khí phế quản, đau rát họng ho, miệng khô họng khát, hội chứng kiết lỵ, mụn nhọt lở ngứa, phát ban. Bài thuốc chứa kim ngân hoa có tác dụng tốt trong điều trị cúm như:
Ngân kiều tán: kim ngân hoa 16g, liên kiều 12g, cát cánh 8g, bạc hà 4g, trúc diệp 12g, cam thảo 4g, kinh giới tuệ 8g, ngưu bàng tử 12g, đậu nhự 8g. Sắc uống
Ngân hoa bạc hà ẩm: kim ngân hoa 30g, bạc hà 10g, lô căn tươi 60g. Trước tiên sắc lô căn và kim ngân khoảng 15 phút, cho tiếp bạc hà đun thêm trong 3 phút. Đem lọc lấy nước pha thêm mật ong hoặc mật mía cho uống. Dùng cho trường hợp cảm nhiệt, sốt nóng, thời kỳ đầu của nhiễm virut như sốt xuất huyết, phát ban, sốt sưng hạch..
Cả ba loại thảo dược trên còn có thể kết hợp với nhau, hãm nước sôi và thêm mật ong uống hàng ngày.
Ngoài các loại gia vị trong bữa ăn hàng ngày và các loại trà, trong dân gian có một biện pháp để hạ sốt giải cảm hiệu quả đó là xông hơi. Dùng xả, gừng, hương nhu, vỏ bưởi, vỏ chanh, lá tre, kinh giới, tía tô, ngải cứu đun nước và trùm mền để xông cho ra mồ hôi. Tuy nhiên vì phương pháp này gây ra mồ hôi nhiều nên cân lưu ý bù dịch trách trường hợp mất nước.
Thời tiết đang giao mùa, cộng thêm dịch cúm Corona virus, chính vì vậy, chúng ta cần chủ động phòng tránh, nâng cao sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho ácc bạn trong việc phòng dịch.
Thuỳ Dương (Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam)
Từ nguồn: https://suckhoedoisong.vn/thao-duoc-nha-bep-phong-cum-trong-mua-dong-xuan-n170327.html